Những bước quan trọng cần biết khi apply du học Mỹ

Du học Mỹ
  1. Xác định mục tiêu rõ ràng

Sau cánh cửa cấp ba là cả một thế giới rộng lớn. Giữa vô vàn những lựa chọn trong cái thế giới ấy, bạn nên tự hỏi bản thân những câu hỏi sau trước khi bắt tay vào quá trình apply đi du học Mỹ:

  • Tại sao mình lại muốn đi du học?

Mình có rất nhiều người bạn trước khi đi sang nước ngoài luôn một mực muốn rời khỏi Việt Nam, nhưng khi sang học tới nơi rồi thì phải gánh chịu áp lực từ rất nhiều thứ và chỉ đếm từng giây chờ ngày về nhà. Vì sao vậy? Vì bản thân các bạn ấy chỉ có mong muốn chứ chưa có quyết tâm và mục tiêu rõ ràng. Khi mà bạn xác định mục tiêu của bản thân khi đi du học rồi, thì dù có khó khăn đến đâu, bạn cũng sẽ tìm được cách vượt qua nó.

  • Tại sao lại là nước Mỹ?

American Dream thật sự là một hiện tượng toàn cầu. Tuy nhiên mình muốn lưu ý mọi người đừng chạy theo xu hướng mà hãy suy nghĩ thật kỹ vì sao mình muốn đi Mỹ, mình muốn học gì từ họ, vì bốn năm hay thậm chí năm năm của bạn tưởng là ngắn nhưng là cả một quãng đường dài xa nhà đấy.

  • Nơi nào/ ai/ nguồn nào có thể giúp mình đi đến mục tiêu một cách tốt nhất?

Khi xác định được mục tiêu đi du học, bạn nên bắt đầu tìm kiếm những nguồn liên hệ tin cậy để giúp mình đạt được ước mơ du học Mỹ. Tuy nhiên hiện nay giữa hàng ngàn những nơi đảm bảo có thể giúp bạn du học một cách dễ dàng, bạn vẫn nên suy nghĩ thật kỹ trước khi gửi gắm mọi thứ của mình vào nguồn giúp đỡ ấy, vì apply Mỹ là một quá trình đầy chông gai chứ không hề dễ dàng.

2. Xác định được khả năng tài chính của gia đình:

Có một điều mà tất cả mọi người nên biết trước khi apply vào bất kỳ một đất nước nào để đi du học, đó là tiền mà trường yêu cầu chi trả một năm thôi chưa phải là dấu chấm hết, mà luôn có những khoản tiền phát sinh thêm khi bạn ở nước ngoài ví dụ như phí du lịch trong các kỳ nghỉ hay phí dự phòng khi bạn gặp phải sự cố gì đó. Chính vì vậy, ngoài số tiền mà bạn phải đóng riêng cho trường ra, thì bạn phải có một khoản tiền dự phòng vào những yếu tố khác, và khoản tiền này tùy vào mỗi người mà nó sẽ ở những mức khác nhau. Ví dụ như có những bạn hay mua sắm thì khoản tiền ấy sẽ phải lớn hơn những bạn cả năm chả cần mua gì, hay có những bạn thích đi du lịch nhiều thì khoản tiền ấy cũng sẽ phải lớn hơn những bạn không có nhu cầu đi du lịch ở nhiều nơi một lúc.

Trở lại vấn đề tài chính đi Mỹ, đây là một vấn đề nhạy cảm vì khả năng tài chính của mỗi gia đình là khác nhau. Tuy nhiên, nếu là đi Mỹ, ngoài khả năng học thuật của bạn học sinh ấy ra, thì tài chính là một yếu tố cực kỳ quan trọng quyết định việc bạn ấy có được nhận vào trường hay không. Lấy ví dụ hai bạn học sinh hồ sơ mạnh ngang nhau, ngoại khóa mạnh ngang nhau, điểm mạnh ngang nhau, nhưng bạn có khả năng chi trả nhiều hơn sẽ có cơ hội được nhận vào cao hơn, vậy nên tài chính quan trọng không? Câu trả lời là có.

3. Xác định bản thân mình là ai:

Nếu đọc đến hết mục thứ 2 mà bạn vẫn có quyết tâm đam mê du học Mỹ, thì mục thứ ba là dành cho bạn. Hồ sơ apply của bạn được ví như bản sao của con người bạn vậy, bạn càng thể hiện được cá tính, con người của bạn trong hồ sơ, hồ sơ của bạn càng mạnh. Tất nhiên là phải trung thực, vì mặc dù người ta không có cách nào kiểm tra xem lời bạn nói có thành thật hay không, nhưng những người làm trong admission office là những người có kinh nghiệm mà chỉ cần đọc ra thôi là biết bạn đang nói dối hay nói thật.

Vậy thì kinh nghiệm cho những bạn chuẩn bị apply đó là hãy viết ra ba gạch đầu dòng về bản thân bạn mà bạn muốn được thể hiện cho trường biết, rồi sau đó xây dựng hồ sơ của bạn dựa trên ba gạch đầu dòng ấy. Như vậy hồ sơ của bạn sẽ thành một thể thống nhất và nói lên rõ nhất con người của bạn.

4. Chuẩn bị cho những kỳ thi chuẩn hóa SAT, TOEFL/IELTS:

SAT là kỳ thi không thể thiếu khi đi du học Mỹ. Nếu như apply các nước khác bạn chỉ cần IELTS là đủ thì bạn cần thêm cả SAT nếu bạn muốn apply đi Mỹ. SAT là gì? Định nghĩa của SAT thì chỉ cần một giây trên Google bạn đã có hàng ngàn tư liệu để đọc về nó; tuy nhiên tóm gọn lại, SAT là kỳ thi mà tất cả học sinh cấp 3 ở Mỹ hay học sinh muốn apply đại học Mỹ đều phải thi, nó kiểm tra khả năng đọc hiểu, toán, ngữ pháp và viết luận của bạn. Tất nhiên, điểm SAT càng cao thì hồ sơ của bạn càng mạnh, và ngoài SAT thường ra thì còn kỳ thi SAT Subject Tests mà mọi người hay gọi tắt là SAT 2. Tùy vào các trường thì SAT 2 có thể là điều kiện bắt buộc hoặc không bắt buộc, bạn nên kiểm tra thật kỹ trên web trường, nhưng thông thường thì SAT 2 là optional (không bắt buộc).

Chắc các bạn học sinh ở Việt Nam thì đã không còn xa lạ gì với khái niệm IELTS, tuy nhiên TOEFL vẫn có thể còn xa lạ, mình sẽ giới thiệu qua về TOEFL cho mọi người có hình dung rõ hơn về kỳ thi này. TOEFL có giá trị tương tự IELTS, đều là kỳ thi kiểm tra năng lực tiếng Anh của bạn. Hai bài thi này khác nhau ở cấu trúc, TOEFL thiên về học thuật nhiều hơn, vì khi làm bài listening (nghe) bạn sẽ nghe lecture (bài giảng) hoặc một cuộc hội thoại bình thường trong môi trường đại học Mỹ. Cá nhân mình thấy thi TOEFL sẽ có lợi hơn rất nhiều cho mọi người trong quá trình làm quen với môi trường đại học nước ngoài, vì cả bốn kỹ năng họ test rất sát với những gì bạn sẽ thực tế trải nghiệm khi bạn là một du học sinh Mỹ.

Có thể sau khi giới thiệu bài thi SAT và TOEFL, một số bạn có thể cảm thấy lo vì khả năng tiếng Anh của mình chưa đủ, nhưng điểm số không phải là tất cả, đấy là điều mình có thể khẳng định 100% với mọi người. Điểm mọi người có thể kém hơn người khác một chút, nhưng chưa chắc người điểm cao hơn đã được nhận vào trường, nên mọi người đừng nên quá căng thẳng về vấn đề điểm số nha.

5. Hoạt động ngoại khóa

 Hoạt động ngoại khóa không phải chỉ là những dự án project bên ngoài có certificate thì được gọi là hoạt động ngoại khóa, đây là một suy nghĩ sai lầm của nhiều bạn học sinh khi apply Mỹ. Vì đơn giản là khi apply Mỹ thường không ai cần xem những chứng chỉ hoạt động của bạn, mà người ta xem các hoạt động ấy có đi liền với bạn và đam mê của bạn hay không. Bạn bơi hàng ngày cũng là một hoạt động ngoại khóa, bạn đá bóng hàng ngày cũng là một hoạt động ngoại khóa, bạn chăm sóc ai đó hàng ngày cũng là một hoạt động ngoại khóa. Hoạt động ngoại khóa nó rất đa dạng, vấn đề là mình nên biết khai thác nó một cách chính xác khi chuẩn bị hồ sơ đi Mỹ.

6. Bài luận:

Thông thường, khi apply Mỹ, bạn sẽ apply online. Có một số trường yêu cầu bạn gửi trực tiếp hồ sơ qua đường bưu điện, nhưng những trường hợp ấy rất hiếm. Khi apply online, bạn cần tạo tài khoản trên một trang web gọi là Common App, ở đó bạn sẽ nộp hết tất cả mọi thứ của mình từ bài luận đến hoạt động ngoại khóa đến bảng điểm ở trường. Một hồ sơ trên Common App thì không thể thiếu bài luận cá nhân, tùy vào các trường, mỗi trường sẽ có những yêu cầu về bài luận phụ khác nhau, nhưng bài luận cá nhân thì bạn chỉ cần viết 1 bài cho tất cả các trường.

Chính vì vậy, bài luận cá nhân ấy phải hội tụ tất cả những gì tốt đẹp nhất, từ nội dung đến ngữ pháp, vì nó vừa thể hiện con người của bạn, vừa để hiện cách viết văn của bạn. Chọn đề tài cho bài luận chưa bao giờ là dễ dàng, vì ý tưởng nào thì bất kỳ ai trên thế giới này cũng đều đã chạm đến rồi, trừ khi bạn nghĩ ra cách phòng chống ung thư thì có thể là chưa ai viết. Đừng hoảng! Bạn chắc chắn sẽ chọn được một topic phù hợp nhất cho mình mà thôi, đôi khi ý tưởng xuất phát một cách vô tình mà bạn không biết trước được, và biết đâu đó lại là ý tưởng giúp bạn đạt được giấc mơ Mỹ của mình thì sao.

7. Đợi kết quả:

Đợi kết quả cũng là một quá trình gian nan. Các trường đại học ở Mỹ sẽ cho học sinh các đợt apply khác nhau, nên thời điểm trả kết quả của các đợt cũng khác nhau. Đôi khi nhận được liên tiếp các tờ giấy báo trượt chưa phải là dấu chấm hết, nên mình mong các bạn đừng bao giờ từ bỏ ước mơ của mình.

Trên đây là những điều cơ bản bạn nên biết trước khi bắt tay vào quá trình apply đi Mỹ. Havina mong rằng là nó sẽ giúp ích ít nhiều cho các bạn trong con đường thực hiện ước mơ Mỹ của mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *