Tiếp theo series bài viết “Học 1000 từ vựng tiếng Anh siêu dễ, không cần nỗ lực phần 1”, trước đó tôi đã chỉ ra cho bạn 3 căn bệnh mà hầu hết những người mới học tiếng Anh thường mắc phải. Có thể là bạn đã biết rồi nhưng tôi sẽ vẫn phải nhắc lại, vì ngoài kia có thể còn nhiều bạn chưa biết được 3 căn bệnh nan y này, vẫn còn tư tưởng tôi không có “năng khiếu” học tiếng Anh, hay có những bạn học ngày học đêm mà mãi không thể nhớ được nhiều từ vựng. Như vậy, chúng ta đã qua bước “bắt bệnh” ở bài viết phần 1. Phần 2 này chính là phần “trị bệnh”, chắc hẳn các bạn đang rất mong chờ phần này đúng không? Cùng Halo Smart bắt đầu phần 2 nhé!
Tôi biết, với sự phát triển khủng khiếp của mạng xã hội trong những năm gần đây, hành vi sử dụng internet của các bạn đã thay đổi. Các bạn đã dần mất kiên nhẫn với những nội dung có “nhiều chữ”, bạn cho rằng mất thời gian. Tuy nhiên, để truyền đạt cho bạn cặn kẽ phương pháp thực hành này, tôi không còn cách nào khác. Nếu ứng dụng được phương pháp này, thời gian để dành cho việc học của bạn sẽ giảm đi, nhưng hiệu quả lại gấp 5 gấp 10 lần so với phương pháp học trước đây. Bạn sẽ có nhiều thời gian hơn dành cho những sở thích cá nhân, với bạn bè hay người thân. Điều này thật tuyệt phải không nào? Tính ra bạn đang tiết kiệm thời gian đấy chứ!
Nếu bạn đang chăm chỉ học ngày học đêm để thuộc lòng vài chục từ vựng, rồi đến vài hôm sau những từ vựng đó lại “trôi” đi đâu hết, thì chúc mừng bạn, bạn là một người BÌNH THƯỜNG. Chỉ có những bộ óc của thiên tài mới nhớ được ngần ấy từ vựng mà thôi. Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, với trí nhớ ngắn hạn, não người chỉ có thể nhớ được tối đa 7 đơn vị trong danh sách. Nghĩa là, khi bạn được giáo viên cung cấp danh sách 20 từ vựng mới trong một buổi học, thì sau một thời gian bạn nhớ được 7 từ vựng trong buổi học đó là tốt lắm rồi. Còn vài tháng sau, có khi bạn chẳng còn từ nào trong đầu.
Trước khi đi vào phương pháp, tôi luôn muốn các bạn hiểu được những điều căn bản, nguyên do tại sao phương pháp này lại hiệu quả. Đây cũng là phương pháp mà tôi đã ứng dụng và thành công với việc học từ vựng tiếng Anh và còn nhiều môn học khác nữa, vì thế tôi hoàn toàn tự tin để chia sẻ với các bạn về phương pháp. Và bây giờ, việc đầu tiên tôi muốn các bạn nắm được, đó là cơ chế hoạt động của trí nhớ. Trí nhớ con người được chia ra làm 2 loại: Trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn.
Nếu so sánh bộ não của con người với một chiếc máy vi tính, trí nhớ ngắn hạn sẽ có từ 4 đến 7 khe nhớ, tuỳ vào khả năng ghi nhớ của bạn ra sao. Nghĩa là, khi bạn học từ vựng trên lớp mà không có thao tác ôn lại, bạn có thể nhớ tức khắc từ 4 đến 7 từ vựng tiếng Anh. Nhưng chỉ sau 1 đến 2 ngày, cùng lắm là 1 tuần, những từ vựng đó sẽ chẳng còn trong đầu bạn nữa. Ngược lại với trí nhớ ngắn hạn, trí nhớ dài hạn lại được coi là kho lưu trữ cực lớn, và chưa có nhà khoa học nào đo lường được khả năng lưu trữ của trí nhớ dài hạn. Trí nhớ dài hạn có thể lưu trữ hàng chục năm, và tất nhiên, chúng ta muốn các từ vựng đã học được lưu trữ trong “bộ nhớ” này phải không?
Một phương pháp học sai mà đa số học sinh tại Việt Nam gặp phải chính là việc học mà không có sự ôn tập. Hầu như các bạn đều dành 80% thời gian để học kiến thức mới, và chỉ dành 20% thời gian ôn lại các kiến thức đã học. Giảng viên tại các trường đại học danh tiếng trên thế giới luôn truyền nhau một câu nói: “Repetition is mother of learning.” – Việc lặp đi lặp lại một kiến thức chính là “mẹ” của việc học. Do đó, các trường đại học hàng đầu thường dạy kiến thức không nhiều, nhưng các buổi thực hành hay dự án được xây dựng rất nhiều để học sinh, sinh viên có cơ hội “repetition” lại kiến thức mà họ đã được học.
80% thời gian học kiến thức mới, 20% thời gian ôn kiến thức cũ – Đó là sai lầm!
Bạn đã nắm rõ được cách hoạt động của não bộ, cụ thể là trí nhớ rồi chứ? Bạn đã biết thêm được 1 sai làm trong suốt quá trình học từ nhỏ của bạn rồi? Và phương pháp mà tôi giới thiệu sẽ thay đổi hoàn toàn cách bạn học tập, học nhàn hơn mà hiệu quả hơn. Phương pháp này được mang tên Spaced Repetition – phương pháp Lặp lại ngắt quãng.
Phương pháp Lặp lại ngắt quãng dựa trên nguyên lý của sự tác động lên cơ chế hoạt động của trí nhớ, nguyên lý đó được gọi là “hiệu ứng ngắt quãng”. Nguyên lý này mô tả cách não chúng ta hoạt động hiệu quả hơn từ việc học một cách ngắt quãng theo thời gian. Nghe khó hiểu không, để tôi ví dụ cụ thể hơn cho bạn nhé. Giả sử một ngày bạn dành 1 giờ để học từ vựng. Thay vì học 1 lèo liên tục trong 1 giờ đồng hồ, bạn hãy chia nhỏ ra thành 3 lần, mỗi lần 20 phút. Có thể là sáng 20 phút, chiều 20 phút, tối 20 phút. Thì đó chính là nguyên lý cơ bản của việc ứng dụng phương pháp Spaced Repetition – Lặp lại ngắt quãng.
Hiểu được nguyên lý này rồi thì bạn có thể dễ dàng nắm được phương pháp mà tôi đã ứng dụng trong việc học tiếng Anh. Hãy cùng xem phần 3 trong chuỗi series bài viết “Học 1000 từ vựng tiếng Anh siêu dễ, không cần nỗ lực (phần 3)” này nhé!
Nguồn tham khảo: Web5ngay, collegeinfogeek.com, wikipedia.org, studyphim.vn